(Diemsovi.com)- Ngay từ những ngày đầu tới làm việc tại sân Alienz Arena, Pep Guardiola đã gặp vô vàn khó khăn trong việc áp dụng lối chơi tiqui-taca cho các nhà ĐKVĐ Champions League. Tuy nhiên, sau một thời gian không ngừng nỗ lực và đúc rút kinh nghiệm, nhà cầm quân người Tây Ban Nha đang dần tìm ra “chìa khóa” để giải quyết bài toán khó khăn này. Đó chính là một người cũ trong vai trò mới, Philipp Lahm.
Nhắc đến Lahm, tất cả người hâm mộ bóng đá đều nghĩ đến hình ảnh một hậu vệ chơi được cả hai cánh, lên công về thủ đều đặn và hết sức hiệu quả. Trong thành công “cú ăn ba” ở mùa giải trước dưới triều đại Heynckes, cầu thủ người Đức cũng luôn là sự lựa chọn số một của chiến lược gia 68 tuổi bên hành lang cánh phải. Tuy nhiên, khi Pep Guardiola đặt chân đến đội bóng xứ Bavaria, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Philipp Lahm, "bài tủ" của Pep Guardiola ở Bayern Munich |
Tiền vệ phòng ngự Philipp Lahm
Philipp Lahm hiện nay đã trở thành một tiền vệ phòng ngự trong sơ đồ 4-1-4-1 của cựu chiến lược gia Barcelona, nhường lại hành lang phải cho Rafinha. Vị trí “mỏ neo” trong đội hình Bayern chính là phát hiện hoàn toàn mới mà Pep nhìn ra đối với đội trưởng ĐT Đức. Chính bản thân Lahm cũng không ngờ rằng anh có thể thành công tới như vậy trong vai trò này.
Pep Guardiola không áp đặt hoàn toàn tiqui-taca vào Bayern. Hùm xám xứ Bavaria chỉ đơn thuần chơi pressing để khiến các đối thủ không có cơ hội triển khai lối đá. Các cầu thủ của Pep tranh bóng liên tục khắp mặt sân, không ngừng nghỉ. Khi tấn công thì lên bóng đồng loạt, đều đặn và hỗ trợ nhau liên tục từ các tuyến.
Với kinh nghiệm nhiều năm đá hậu vệ cánh, khi được dịch vào trung tâm, Lahm chơi rất hiệu quả trong những tình huống đeo bám, đòi hỏi sự bền bỉ và lì lợm. Chính nhờ khả năng đánh chặn tuyệt vời của cầu thủ 30 tuổi này mà bộ tứ tiền vệ phía trên “rảnh chân” hơn trong nhiệm vụ điều phối và tổ chức tấn công.
Việc Lahm xuất hiện ở trước cặp trung vệ Dante-Boateng cũng giúp cho vòng cấm Bayern Munich trở nên an toàn hơn. Trong những trận thầy trò Pep Guardiola phải gặp các đội bóng có sử dụng một số 10 hoặc một tiền đạo đá lùi, chính sự quyết liệt của Lahm thường hạn chế đi rất nhiều vai trò của các cầu thủ này. Tiêu biểu nhất, trong trận đấu mới nhất trên sân Etihad của Man City trong khuôn khổ Champions League, Sergio Aguero bên phía The Citizen gần như “mất hút” trước sự kèm cặp của cầu thủ người Đức.
Từ 4-1-4-1 chuyển thành 3-3-3-1
Bên cạnh việc “phát kiến” ra tiền vệ phòng ngự Philipp Lahm, Pep Guardiola cũng áp dụng cho Bayern một sự linh hoạt đến kinh ngạc trong lối chơi. Xuất phát với sơ đồ chiến thuật gốc 4-1-4-1 nhưng khi tấn công hoặc bị phản công bất ngờ, Hùm xám có thể ngay lập tức “chuyển mình” sang những hệ thống khác như 3-3-3-1 hay 4-5-1 để kịp thời thích ứng với tình hình.
Cụ thể, khi Bayern tổ chức lên bóng từ sân nhà, hai hậu vệ cánh là Rafinha và Alaba thường ép lên giữa sân, vừa để nhận bóng, vừa gây sức ép lên các tiền vệ đối phương. Hai cầu thủ này cùng Bastian Schweinsteiger tạo nên một tuyến tiền vệ thứ hai của Bayern. Khi đó, Lahm, với vai trò “mỏ neo” lùi xuống phía sau, vừa để bọc lót cho các đồng đội, khi cần thiết có thể trở thành trung vệ “thứ ba” bên canh Boateng và Dante. Trong khi đó, ở trên, những Ribery, Kroos, Robben vẫn có thể vừa thoải mái di chuyển tấn công, vừa tranh cướp bóng ngay trên phần sân của đối thủ. Bayern lúc này đã chuyển sang đội hình 3-3-3-1 có thể “giăng kín” mặt sân.
Tương tự như vậy, khi bị mất bóng, hệ thống này có thể nhanh chóng tổ chức tranh cướp trên từng mét vuông sân cỏ khiến đối thủ không thể kịp tổ chức phản công. Các cầu thủ Bayern sẽ nhờ đó mà lùi dần đội hình về phía sân nhà. Lúc này, sau khi hai hậu vệ biên đã trở lại vị trí quen thuộc, Philipp Lahm sẽ di chuyển cao lên để tách dần ra khỏi vị trí trung vệ “ảo” anh vừa phải đảm nhiệm để trở lại vai trò tiền vệ phòng ngự đích thực. Hùm xám quay sang sơ đồ 4-5-1 với một tuyến giữa cực kỳ chắc chắn và kín kẽ.
Kết luận
Rõ ràng, việc Bayern “chuyển mình” trong mùa giải năm nay ghi nhận rất nhiều dấu ấn chiến thuật của Pep Guardiola. Và Philipp Lahm chính là một nhân tố “âm thầm” nhưng cũng nổi bật nhất dưới những điều chỉnh của cựu chiến lược gia Barca. Chưa kể, việc Pep sử dụng Thomas Muller hay Mario Goetze cho vị trí cao nhất trên hàng công cũng giúp cho Bayern Munich chơi cơ động hơn rất nhiều.
Sở hữu cả số 9 “ảo” và trung vệ “ảo” trong đội hình, ai mà biết trước được Hùm xám sẽ còn “biến hóa khôn lường” tới mức nào.
- Nam Anh