Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bài dự thi "Ấn tượng World Cup": Tinh thần thượng võ trong bóng đá Nhật

Thứ Năm 28/06/2018 19:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Người Nhật rõ ràng sở hữu thứ bóng đa mang bản sắc rất riêng
Bài dự thi World Cup 2018 Tinh thần thượng võ trong bóng đá Nhật hình ảnh
 
Võ Đạo trong Bóng đá

Thế nhưng, bằng trận cầu lội ngược dòng kiên cường ngày hôm qua, người Nhật đã phả vào bóng đá cái HỒN VÕ ĐẠO. Với một đối thủ vượt trội hơn về thể lực, thường xuyên ban bật phản công sắc lẹm như Senegal, Đội tuyển quốc gia Nhật Bản chơi ăn miếng trả miếng, kiên trì gỡ bàn.

Hãy nhìn cách Thủ quân Makoto Hasebe xin trở lại sân với cánh mũi phập phồng máu sau va chạm. Hãy nhìn cách hậu vệ Maya Yoshida xoạc bóng quên mình.

Với tinh thần võ đạo ấy, Keisuke Honda điềm đạm ghi bàn quân bình tỷ số 2-2 trước một Senegal bão lửa là niềm vui vỡ òa cho những cổ động viên Châu Á.

Một trận cầu hay không chỉ vì tỉ số thắng thua, một trận cầu hay vì gợi lên những giá trị tinh thần vô giá do một trò chơi mang lại. Giá trị trận hòa 2-2 mà Nhật mang lại là tinh thần thượng võ.

Dù thắng Columbia nhưng Nhật không kiêu, dù bị Senegal luôn dẫn trước nhưng Nhật không nản. Không bao giờ chịu nhục dù phải chết và luôn luôn tôn trọng cúi chào trước mọi đối thủ. Đó là VÕ ĐẠO.

Chiến lược bóng đá của Người Nhật

Tuổi trẻ 8X chúng tôi say mê truyện tranh Nhật về bóng đá: “Tsubasa Giấc mơ sân cỏ” (1994), “Jindo - Đường dẫn đến khung thành” (2000)... Những bộ truyện tranh hấp dẫn từ cốt truyện, tuyến nhân vật được pha trộn với yếu tố hài hước.

Trong bộ truyện “Tsubasa Giấc mơ sân cỏ”, chúng ta có nhân vật Kojiro với cú sút “cọp tát”, thủ môn tài năng và giỏi võ Wakabayashi Genzo, chuyên gia đỡ bóng bằng mặt Ishi…

Và câu nói rất sòng phẳng của Tsubasa “Kẻ mạnh chưa chắc đã thắng nhưng người thắng là kẻ mạnh”. Trong bộ truyện tranh nổi tiếng ấy, người Nhật đã vô địch thế giới.

Trong bộ truyện “Jindo - Đường dẫn đến khung thành”, nhân vật chính Jindo là tập đại thành của Tsubasa, Vi Tiểu Bảo… với những cú sút, pha bóng không tưởng…nhưng rất hài hước, dí dỏm, tôn lên tình chiến hữu trong bóng đá.

Vậy chiến lược bóng đá của người Nhật là gì? Sự say mê truyền tải qua văn hóa (truyện tranh), yếu tố thể lực được hun đúc bằng chiến lược tăng cường thể trạng rộng khắp cho người Nhật trên toàn quốc (mỗi ngày một bình sữa…), tận dụng mọi cơ hội để đưa các cầu thủ tham gia các giải chuyên nghiệp tại Châu Âu…

Từng bước, người Nhật vững chãi bước vào sân chơi World Cup một cách đầy tự tin. Chiến đầu từng trận một, từ vòng loại, chắt chiu từng cơ hội, lăn xả từng đường bóng… để đá bóng với một tinh thần “Samura” bất khuất.

Tôi lại trộm nghĩ, với Đông Du, với Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX, phải chăng các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu mong mỏi người dân Việt học hỏi VÕ ĐẠO kiên cường ấy của người Nhật trong văn hóa, giáo dục… Phỏng chẳng có lý lắm ru?!

Bài dự thi Ấn tượng World Cup 2018
Tác giả: Phạm Quang Huy
Bút danh: Hàn Sĩ Huy

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X