Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bài dự thi "Ấn tượng World Cup": Cầu thủ nhập cư, thì sao chứ?

Thứ Ba 10/07/2018 12:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Cầu thủ nhập cư, thì sao chứ? Anh là ai, đến từ đâu không quan trọng bằng anh làm được gì, anh chứng tỏ được giá trị của mình như thế nào.
World Cup 2018 chứng kiến những "chú gà trống Gô-loa" bay cao nhờ dàn sao trẻ Mbappé, Pogba, Kanté,... "Những con quỷ đỏ" quyết liệt và bản lĩnh vì có trong tay Lukaku, Fellaini, Kompany..., "Tam sư" vững bước vào tứ kết với Sterling, Welback, Young..., "Cướp biển Viking" được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự giúp sức của Olsson, Durmaz...

Điểm chung của các tuyển thủ này là gì? Họ đều là những cầu thủ có nguồn gốc người nhập cư. VCK World Cup lần thứ 21 đâu chỉ có Pháp, Bỉ, Anh hay Thụy Điển mà còn nhiều đội tuyển khác nữa đều có trong đội hình những cầu thủ như thế.

Sự có mặt của họ giúp tăng thêm sức mạnh, góp phần rất lớn vào thành tích chung của đội bóng mình đang khoác áo.
Bài dự thi World Cup 2018 Cầu thủ nhập cư, thì sao chứ hình ảnh
Mbappe đi bóng trận Pháp vs Uruguay

Cầu thủ nhập cư, thì sao chứ? Anh là ai, đến từ đâu không quan trọng bằng anh làm được gì, anh chứng tỏ được giá trị của mình như thế nào. Không chỉ ở giải đấu này mà trào lưu cầu thủ nhập tịch đã có từ lâu và trở nên phổ biến hơn trong gần 20 năm trở lại đây.

Có vẻ như Pháp và Hà Lan là những nước "dẫn đầu xu thế" từ rất sớm và đã hưởng lợi không ít từ chủ trương này. Hà Lan từng có bộ ba "Hà Lan bay" Gullit – Van Basten – Rijkaard làm mưa làm gió tại EURO 88, trong đó Gullit và Rijkaard mang dòng máu Suriname.

Người Pháp có bộ tứ huyền diệu Platini – Fernandez – Tigana – Girese mà ¾ đội hình đó không phải người-Pháp-chính-tông. Platini có bố mẹ là người Ý, Fernadez sinh ra trong một gia đình Tây Ban Nha còn Tigana có nguồn gốc Sudan. Không hề kém cạnh, Bồ Đào Nha cũng có "viên ngọc đen" Eusebio, vua phá lưới World Cup 1966, vốn là người Mozambique nhập cư. 

Có thể thấy, nhờ chính sách thông thoáng, tư tưởng cởi mở, kinh tế phát triển và trình độ bóng đá hàng đầu thể giới, Pháp là miền đất hứa cho nhiều cầu thủ trẻ đến từ "lục địa đen".

Tương tự, Hà Lan là điểm đến lý tưởng của những mầm non bóng đá Surinam chọn làm quê hương thứ hai. Đỉnh cao thành công của chính sách "mở cửa" đội tuyển giúp Pháp vô địch World Cup 98 với những Henry, Trezeguet, Desailly, Thuram... Hà Lan lên ngôi á quân World Cup 2010 nhờ có sự góp sức không nhỏ của Van Bronckhorst, De Jong, Ooijer, Boulahrouz....

Thấy được những thành công của Pháp, Hà Lan, nhiều nước cũng không chịu kém trong cuộc chạy đua sở hữu những cầu thủ chất lượng. Thời thế thay đổi, bóng đá ngày nay cũng phải theo xu thế toàn cầu hóa, điều này phần nào tác động tích cực đến quan niệm của những nước vốn tôn sùng chủ nghĩa dân tộc.

Đức, Ý, Anh nổi tiếng bảo thủ nhưng kể từ World Cup 98 mọi thứ đã trở nên thoáng hơn. Nếu như ĐT Đức rộng cửa chào đón Gerald Asamoah, Kevin Kuranyi, Jerome Boateng,...thì "Azzurri" từng có vị trí vững chắc dành cho Marco Balotelli, Mauro Camoranesi, Fabio Liverani,...

Còn Sol Campbell, Paul Ince, Jermaine Defoe... là công thần của "những chú sư tử" Anh dưới thời HLV Goran Eriksson.

Như một thông lệ "ngầm", trước mỗi sự kiện lớn như World Cup hay EURO, giới chức bóng đá các nước bắt đầu tung người truy lùng "gia phả ba đời" những cầu thủ tiềm năng có gốc gác "người của mình" rồi bắt tay vào chiến dịch lôi kéo họ về khoác áo cho đội tuyển "quê cha đất tổ".

Nhiều trường hợp đã thành công nhưng cũng không ít phi vụ thất bại, phần lớn các đội tuyển "có số má" và giàu có thường chiếm ưu thế hơn trong trận chiến "giành người" với những đội bóng "nhẹ ký" hơn mà "túi cũng mỏng", trong khi rất hiếm trường hợp ngược lại.

Đức và Ba Lan từng tranh nhau Klose nhưng cuối cùng người Đức đã chiến thắng. Ozil, Scholl cũng chọn Đức thay vì phục vụ cho quê hương Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương tự, Jerome Boateng trung thành với "cỗ xe tăng Đức" trong khi anh trai Kevin Boateng lại là đội trưởng của ĐT Ghana tại VCK World Cup 2014. Riêng George Weah, Quả bóng vàng Châu Âu và cầu thủ xuất sắc nhất FIFA 1995, là một ngoại lệ rất đặc biệt.

Weah chẳng phải con cháu người Pháp, cũng chẳng có tổ tông người Ý nhưng tài năng của anh khiến cả Pháp và Ý đều muốn có anh trong đội hình.

Nhưng Weah đã khước từ lời đề nghị hấp dẫn của Pháp và Ý để trở về trong vai trò đội trưởng ĐT Liberia, đồng nghĩa với từ chối cơ hội góp mặt ở VCK World Cup bởi Liberia của anh quá yếu để đến được ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Nhưng điều đó có hề gì bởi Weah làm điều đó theo mệnh lệnh của trái tim. Sẵn sàng đánh đổi vinh quang trong nghề nghiệp để về với quê hương yêu dấu, cánh cửa World Cup đã vĩnh viễn khép lại với Weah nhưng anh chưa bao giờ hối tiếc, chỉ có các fan yêu mến Weah mới cảm thấy luyến tiếc cho anh mà thôi.

Và khi không thể "mua chuộc" được bằng lòng ái quốc như Weah, những nước "thừa tiền nhưng thiếu lực" tận dụng triệt để sự giàu có nhằm lôi kéo cầu thủ giỏi từ những quốc gia thừa mứa tài năng như Brasil hay Argentina "nhập tịch cấp tốc" để đủ điều kiện khoác áo đội tuyển.

Ở quê hương mình, họ hoàn toàn không có cơ hội trở thành tuyển thủ quốc gia khi không đủ năng lực cạnh tranh với đồng nghiệp khác, vậy thì ở "quê hương mới", nhập tịch trở thành công dân đồng nghĩa với việc được khoác áo đội tuyển, có cơ hội được chơi ở những giải đấu lớn, được trả những khoản thù lao hậu hĩnh cùng vô số quyền lợi khác thì chẳng có việc gì phải từ chối.

Cũng dễ hiểu thôi, nhân tài đương nhiên được quyền chọn nơi gửi thân, nơi nào cho họ nhiều cơ hội phát triển và tìm kiếm vinh quang thì họ cống hiến, chẳng có gì sai trái cả, "đất lành chim đậu" mà.

Trông người lại ngẫm đến ta. Những năm gần đây Việt Nam thu hút không ít cầu thủ Việt kiều, kể cả cầu thủ ngoại-quốc-chính-hiệu đến thi đấu và nhập tịch.

Họ đến Việt Nam chơi bóng, lập gia đình và sinh sống lâu dài ở VN. Không thể phủ nhận rằng nhờ sự có mặt của họ, sự chuyên nghiệp và trình độ bóng đá nước ta được nâng chất rõ rệt.

Nhiều người trong số họ khát khao được "phụng sự Tổ-quốc-Việt-Nam" với sự chân thành và hết sức nghiêm túc. Nhưng rồi cũng chẳng có mấy người được tạo cơ hội để đóng góp công sức cho đội tuyển.

Chúng ta luôn hô hào "hòa nhập chứ không hòa tan" để giữ gìn bản sắc, nhưng dường như vẫn còn những rào cản vô hình nào đó khiến chúng ta chưa thực sự cởi mở và đặt niềm tin vào họ, những người đã quyết định chọn Việt Nam để cống hiến.

Chúng ta không cần tốn công "truy lùng", cũng chẳng cần "bỏ tiền mua người" thì tại sao chúng ta lại không thu nạp họ? Hãy nhìn những Pháp, Hà Lan, Đức...kia kìa, chẳng những không hề mất đi bản sắc mà họ còn trở nên mạnh mẽ và đáng gờm hơn. Vậy thì hà cớ gì chúng ta phải e ngại ? Nhìn đi, nhìn để thay đổi trước khi quá muộn.

Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Lý Thị Anh Thuỳ

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X